22/09/2018
2100

Thủ công mỹ nghệ xứng đáng có bảo tàng và viện nghiên cứu riêng

Cách đây 60 năm đã nổ ra cuộc tranh luận tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) về việc trường này có nên chuyển hướng đào tạo các nghề thủ công mỹ nghệ hay không? Kết cục là trường mở rộng quy mô đào tạo, có các khóa học thiên về mỹ thuật ứng dụng; song song với hệ thống đào tạo các nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, cho đến nay, thủ công mỹ nghệ dường như không được coi trọng như một bộ phận của mỹ thuật nữa, thủ công mỹ nghệ có vẻ như trở về với “dân gian”, với các HTX, làng nghề… Vậy vị trí thực sự của thủ công mỹ nghệ ở đâu? TT&VH xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Vũ Hy Thiều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Mỹ nghệ và Viện Kinh tế HTXngười đã có nhiều năm gắn bó với các nghề thủ công mỹ nghệ.

Thủ công mỹ nghệ là một bộ phận của mỹ thuật

Nước ta có một kho tàng vô cùng quý giá, đó là các nghề thủ công mỹ nghệ, với bề dày lịch sử hàng trăm, hàng nghìn năm. Các nghề thủ công mỹ nghệ xưa đã để lại cho đời nay rất nhiều tác phẩm kiệt xuất, luôn được kể ra như một niềm tự hào minh chứng cho truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc ta; đó là những trống đồng, những tác phẩm điêu khắc ở các đình, chùa, những sản phẩm gốm cổ còn lưu lại trong các bảo tàng và các sưu tập cá nhân…

Ngày nay, nhiều nghề thủ công mỹ nghệ vẫn giữ được truyền thống và phát triển lên, tiếp tục làm ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, như thổ cẩm, gốm, điêu khắc, đan mây tre, sơn mài, khảm trai, chạm bạc… Trong đó có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và cả giá trị về tiền bạc không thua kém gì với các tác phẩm mỹ thuật tạo hình của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tất nhiên không phải là tất cả các sản phẩm thủ công đều đạt được như vậy, cũng như không phải tất cả các tác phẩm mỹ thuật tạo hình đều đẹp.

Các nước đều coi thủ công mỹ nghệ là một bộ phận của mỹ thuật quan trọng và được tôn vinh không kém gì so với mỹ thuật tạo hình. Hơn thế nữa, thủ công mỹ nghệ lại là bộ phận lưu giữ đậm nét và bền vững nhất những giá trị văn hóa truyền thống, so với mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật công nghiệp. Một trong những bài học thành công rực rỡ của công nghiệp Nhật Bản chính là đã lấy truyền thống của các nghề thủ công để định hướng phong cách cho các sản phẩm công nghiệp. Chính chúng ta, khi nói về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, đều phải kể tới đồ đồng Đông Sơn, điêu khắc thời Lý, Trần, đồ gốm cổ Bát Tràng… Đó đều là những tác phẩm thủ công mỹ nghệ cả. Nếu không coi thủ công mỹ nghệ là một bộ phận của mỹ thuật, thì chúng ta chỉ có quyền viết lịch sử mỹ thuật Việt Nam bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 đến nay thôi.

Các nước rất coi trọng thủ công mỹ nghệ

Như đã nói, hầu hết các nước đều quý trọng và đánh giá cao về thủ công mỹ nghệ, đều rất tự hào và coi thủ công mỹ nghệ là một minh chứng sống động cho truyền thống văn hóa của dân tộc họ. Hầu như nước nào cũng xây dựng những trung tâm thủ công mỹ nghệ: Nhật Bản có một trung tâm quốc gia và 30 trung tâm địa phương về thủ công mỹ nghệ. Thái Lan có trung tâm thủ công mỹ nghệ do hoàng hậu xây dựng. Trung tâm thủ công mỹ nghệ Philippines trực thuộc Phủ Tổng thống. Nước nhỏ như Brunei cũng có trung tâm thủ công mỹ nghệ trực thuộc Hoàng gia. Ngoài ra, Nhà nước họ còn xây dựng nhiều viện nghiên cứu, trường cao đẳng cho các nghề thủ công mỹ nghệ đặc trưng của họ.

“Nghệ nhân” của tương lai

Trong hội nghị chuyên gia thủ công mỹ nghệ ASEAN (1997 tại Philippines), tôi rất tự hào khi giới thiệu về bề dày truyền thống và sự lớn mạnh của các nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam trước vẻ trầm trồ của các đại biểu, nhưng lại cũng rất buồn khi nói về sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước, mà các đại biểu họ không thể tưởng tượng nổi. Một đất nước vẫn thường tự hào với truyền thống các nghề thủ công mỹ nghệ có từ hàng trăm, hàng nghìn năm, với hàng trăm nghề khác nhau, trên 2.000 làng nghề và hàng triệu thợ thủ công; vậy mà không có lấy một bảo tàng thủ công mỹ nghệ nào, không có viện thủ công mỹ nghệ, không có trường cao đẳng thủ công mỹ nghệ…

Còn ở ta?

Các vị lãnh đạo tiền bối của ngành mỹ thuật đã rất quý trọng các nghề thủ công mỹ nghệ, và coi đó là một bộ phận không thể thiếu của mỹ thuật.

Bảo tàng Mỹ thuật lúc mới thành lập đã dành hẳn tầng 3 để trưng bày các tác phẩm thủ công mỹ nghệ cả cổ lẫn mới làm; chính tầng 3 đó được khách nước ngoài hết sức khen ngợi. Sau này bảo tàng không sưu tầm tác phẩm thủ công mỹ nghệ nữa, và các hiện vật cũ cũng vắng bóng dần. Xin nói thêm rằng các tác phẩm đó đến nay thật khó tìm người làm lại được. Viện mỹ thuật lúc đầu có tên là Viện Mỹ thuật và Mỹ nghệ; sau này chỉ còn là Viện Mỹ thuật.

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có khoa truyền thống, trước kia có các nghệ nhân tham gia giảng dạy; nay không còn ai. Ngay cả cái tên thủ công mỹ nghệ đã có cả một bề dày lịch sử và đã quá quen thuộc với mọi người; nhưng giới mỹ thuật lại muốn ép nó vào cái tên mới là mỹ thuật ứng dụng, hay mỹ thuật đời sống, vừa trở thành khó hiểu, vừa mất đi giá trị truyền thống vốn có của nó.

Theo tôi, không phải là để nâng tầm, mà là để đối xử đúng tầm với thủ công mỹ nghệ, cần có sự thay đổi căn bản, mà trước tiên phải nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò và giá trị của thủ công mỹ nghệ; đó là một bộ phận không thể thiếu được của mỹ thuật, tương ứng với 2 bộ phận lớn khác là mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật công nghiệp (design). Hãy gọi nó với cái tên đích thực đầy tự hào của nó là thủ công mỹ nghệ, không cần cái tên áp đặt là mỹ thuật ứng dụng hay mỹ thuật đời sống, vừa khó hiểu, rối rắm, vừa hạ thấp giá trị vốn có của nó. Với giá trị truyền thống cũng như hiện tại, thủ công mỹ nghệ Việt Nam hoàn toàn xứng đáng có bảo tàng riêng, có viện nghiên cứu, có trung tâm quốc gia, có trường cao đẳng và các học viện ở các vùng nghề lớn, nghệ nhân và thợ thủ công xứng đáng có hội của mình ở cấp quốc gia. Và rất quan trọng là cần có một cơ quan quản lý Nhà nước chính thức, ổn định và đủ năng lực để quản lý các nghề thủ công; không nên luôn luôn thay đổi và èo uột với một cấp phòng có vài ba cán bộ như hiện nay.